CỔNG THÔNG TIN CỦA BỘ Y TẾ VỀ ĐẠI DỊCH COVID-19

Mẹ nhiễm COVID-19 vẫn có thể cho con bú

19/08/2021 09:00 (GMT+7)

Bà mẹ và người chăm sóc cần được tư vấn da kề da với trẻ và cho trẻ bú mẹ có lợi ích vượt trội hơn so với nguy cơ có thể của việc lây truyền COVID-19.

Hướng dẫn tạm thời dự phòng và xử trí COVID-19 do SARS-CoV-2 ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh vừa được Bộ Y tế ban hành.

Theo đó, với phụ nữ mang thai nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19, ưu tiên điều trị COVID-19 trước, chỉ can thiệp sản khoa khi có triệu chứng cấp cứu về sản khoa hoặc khi tình trạng mẹ nặng cần hội chẩn các chuyên khoa liên quan.

Thầy thuốc cân nhắc sử dụng thuốc kháng virus, thuốc kháng đông và các loại thuốc khác cho thai phụ nhiễm COVID-19 theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.

Thai phụ nhiễm COVID-19, kể cả đã khỏi thì vẫn phải cần quản lý thai 2 - 4 tuần/lần nhằm phát hiện sớm những trường hợp tiền sản giật, thai chậm phát triển trong tử cung, dọa đẻ non hoặc đẻ non.

Ngoài ra, cần hạn chế số lần và rút ngắn thời gian thăm khám, xét nghiệm; lịch khám thai có thể thay đổi tùy tình trạng thai, sức khỏe sản phụ và bệnh lý kèm theo của thai phụ; có thể khám qua hệ thống khám bệnh từ xa.

Mẹ nhiễm COVID-19 vẫn có thể cho con bú - Ảnh 2.

Thăm khám, chăm sóc phụ nữ mang thai mắc COVID-19 tại Bệnh viện Hùng Vương, TP HCM.

2 tuần sau sinh, trẻ có mẹ nhiễm/nghi nhiễm COVID-19 phải làm xét nghiệm 4 lần

Với trẻ được sinh ra từ người mẹ nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 thì phải làm xét nghiệm chẩn đoán nhiễm COVID-19, cụ thể: Xét nghiệm lần 1 từ 2 - 24 giờ tuổi. Vị trí lấy mẫu: họng hoặc mũi; Xét nghiệm lần 2 lúc 48 giờ tuổi; Xét nghiệm lần 3 và lần 4 lúc 7 và 14 ngày tuổi.

Với trẻ tiếp xúc gần với người mắc COVID19 hoặc mẹ mắc COVID-19 sau khi sinh thì xét nghiệm, chẩn đoán và theo dõi như người lớn.

Ở những nơi điều kiện hạn chế, nên ưu tiên xét nghiệm cho trẻ sơ sinh có triệu chứng do COVID-19 cũng như trẻ sơ sinh phơi nhiễm SARS-CoV-2 cần chăm sóc tại đơn vị hồi sức hoặc những trẻ dự kiến phải nhập viện kéo dài.

Cán bộ y tế nên tư vấn cho phụ nữ mang thai về các nguy cơ của nhiễm COVID-19 và các biện pháp dự phòng lây nhiễm, bao gồm:

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong thai kỳ (thai ≥ 13 tuần) hoặc trong giai đoạn hậu sản, kể cả khi nuôi con bằng sữa mẹ theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.

Thực hiện các biện pháp dự phòng nhiễm COVID-19 như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc với người khác.

Mẹ nhiễm COVID-19 vẫn có thể cho con bú

Theo hướng dẫn, bà mẹ và trẻ sơ sinh cần được thực hiện da kề da ngay sau đẻ, được ở cùng phòng cả ngày lẫn đêm nếu tình trạng sức khỏe mẹ cho phép và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ trong vòng 90 phút sau đẻ. 

Đối với trẻ sinh non và nhẹ cân thực hiện chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo, cùng với việc thực hiện các biện pháp phòng chống lây truyền cần thiết.

Bà mẹ và người nhà cần được tư vấn về lợi ích của việc da kề da và bú sữa mẹ vượt trội hơn so với những nguy cơ có thể của việc lây truyền COVID-19. Đồng thời, cần tư vấn trước sinh cách dự phòng việc lây lan virus cho trẻ khi tiếp xúc gần bao gồm:

Đeo khẩu trang y tế bất cứ khi nào tiếp xúc với trẻ, kể cả khi cho trẻ bú mẹ.

Thay khẩu trang y tế ngay khi thấy khẩu trang bị ẩm và loại bỏ ngay vào thùng rác có nắp đậy. Không được tái sử dụng khẩu trang y tế hoặc chạm vào mặt trước của khẩu trang.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch ít nhất 20 giây hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh có ít nhất 60% cồn, đặc biệt trước khi chạm vào trẻ, chăm sóc trẻ hay cho trẻ bú mẹ.

Thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt mà bà mẹ đã chạm vào bằng cách lau chùi bằng dung dịch sát khuẩn.

Bà mẹ nhiễm COVID-19 không triệu chứng, thể nhẹ và trung bình, cơ sở y tế thực hiện quy trình chăm sóc sơ sinh thiết yếu và chăm sóc thường quy như mọi trẻ em khác. Tùy tình hình, địa phương bố trí trẻ riêng phòng hoặc nằm cách mẹ 2m, nhân viên y tế hỗ trợ mẹ cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn.

Bà mẹ mức độ nặng hơn, nhân viên y tế có thể hỗ trợ mẹ vắt sữa cho trẻ hoặc sử dụng sữa thanh trùng từ ngân hàng sữa mẹ nếu không thể vắt sữa mẹ. Khi mẹ ổn định, trẻ cần được ở chung phòng với mẹ và được bú mẹ sớm.

Các dữ liệu hiện nay cho thấy nguy cơ mắc bệnh thể nặng ở phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19 có triệu chứng cao hơn so với nhóm phụ nữ không mang thai.

Nghiên cứu tổng hợp từ báo cáo khoa học ở nhiều quốc gia với gần 7.500 trẻ em trong đó có 25 trẻ sơ sinh nhiễm SARS-CoV-2 cho thấy đa phần trẻ có triệu chứng vừa và nhẹ, khoảng 2% trẻ cần nhập vào đơn vị hồi sức tích cực và tỉ lệ tử vong là 0,08%.

Võ Thu

https://giadinh.net.vn/y-te/me-nhiem-covid-19-van-co-the-cho-con-bu-20210819080349458.htm

Đường dây nóng

Danh sách số điện thoại các bệnh viện

Bệnh viện Bạch Mai 09669 85 1616
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 0969 24 1616
Bệnh viện E 0912 16 8887
Bệnh viện Nhi Trung ương 0372 88 4712
Bệnh viện Phổi Trung ương 0967 94 1616
Bệnh viện Việt Nam - Thủy Điển - Uông Bí 0966 68 1313
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên 0913 39 4495
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế 0945 31 3999
Bệnh viện Trung ương Cần Thơ 0907 73 6736
Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội 0982 41 4127
Bệnh viện Vinmec Hà Nội 0934 47 2768
Bệnh viện Đà Nẵng 9093 58 3881
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh 0967 34 1010
Bệnh viện Nhi đồng 1 0913 11 7965
Bệnh viện Nhi đồng 2 0798 42 9841
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai 0819 63 4807
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa 0913 46 4257
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa 0965 37 1515
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình 0989 50 6515
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn 0396 80 2226
Bệnh viện Chợ Rẫy 0977 010 200
Top